Không phải camera nào trên smartphone cũng giống nhau, nhưng tất cả đều có những điểm tương đồng ít hay nhiều mà thôi. Chẳng hạn như có ống kính, cho phép bạn nhìn thấy mọi thứ gián tiếp thông qua màn hình của
smartphone, hay tất cả đều có cảm biến ảnh; trong đó có những gì ống kính nhìn thấy và biến nó thành dữ liệu kỹ thuật số; và đa phần đều song hành cùng phần mềm, giúp phân tích các dữ liệu cũng như biến nó thành một tập tin hình ảnh.
Dĩ nhiên, với vài dòng thông tin ngắn gọn phía trên vẫn chưa là gì so với kiến thức tràng giang đại hải của
camera-phone ở thời điểm hiện tại, và sẽ được cải tiến trong tương lai. Dưới đây, mình sẽ điểm qua những điều cơ bản nhất để bạn có thể nắm vững kiến thức, rồi sau này dễ tiếp nhận các thông số kỹ thuật mới hơn.
1. Megapixel
Megapixel (viết tắt là MP), hay thường được gọi một cách ngắn gọn và đậm chất Việt Nam là "chấm". Một MP tương ứng với một triệu điểm ảnh (1.000 x 1.000 pixel) - từ đó có thể thấy camera 20MP phổ biến trên thị trường hiện nay sẽ có 20 triệu điểm ảnh. Về cơ bản, camera có nhiều điểm ảnh thường tốt hơn. Nhờ ưu thế này, bạn có thể phóng to hoặc cắt xén hình ảnh mà không phải quá lo lắng chất lượng ảnh bị giảm sút (bể hạt, mờ nhòe).
Chất lượng ống kính quan trọng hơn số lượng Megapixel
2. Kích thước cảm biến
Cảm biến hình ảnh với công nghệ số như CCD và CMOS đang được ứng dụng trên các thiết bị di động nói riêng và các thiết bị hình ảnh số nói chung. Cảm biến CMOS có lợi thế về tốc độ khung hình và khả năng thực hiện xử lý điện tử trên vi xử lý. Nhưng so với CCD, thì CMOS có xu hướng tạo ra hình ảnh chất lượng thấp hơn với độ nhiễu cao, đặc biệt là trong các tình huống ánh sáng yếu.
Hiện tại, thị trường máy ảnh trên điện thoại di động đều sử dụng cảm biến CMOS với hai công nghệ: FSI (front-side illumination) và BSI (back-side illumination). Trong công nghệ FSI, ánh sáng đi qua ống kính, bộ lọc màu và hệ thống dẫn trước khi nó vào diode tách sóng quang. Bóng bán dẫn sẽ làm giảm lượng ánh sáng thu vào và ảnh hưởng tới độ nhạy sáng. Trong công nghệ BSI, ánh sáng đi qua mà không có sự phản xạ từ dây kim loại của bóng bán dẫn trong các điểm ảnh. Kết quả là cảm biến hình ảnh BSI thu thập nhiều ánh sáng hơn FSI và do đó có độ nhạy sáng tốt hơn.
Nokia Lumia 930 (ảnh trên) và Lumia 1520 có cùng kích thước cảm biến camera 1/2.5 inch
Tóm lại, kích thước cảm biến camera là một trong số những yếu tố quyết định đến chất lượng ảnh chụp trên smartphone; kích thước càng lớn càng có lợi trong quá trình nhiếp ảnh trên di động.
3. Khẩu độ (Aperture)
Khẩu độ (ống kính) máy ảnh, là độ mở của cửa điều sáng tại vị trí ống kính của máy ảnh làm nhiệm vụ điều chỉnh lượng sáng khi chùm tia sáng phản chiếu từ vật thể đột nhập vào ống kính. Trong nhiếp ảnh, khẩu độ của ống kính máy ảnh là yếu tố rất quan trọng đối với 1 ống kính và máy ảnh. Khẩu độ (hay độ mở) của ống kính càng lớn tức là trong 1 khoảng thời gian nhất định lượng ánh sáng mà cảm biến (hoặc phim) nhận được càng nhiều. Đó là một phần quyết định tốc độ của ống kính. Những ống kính có khẩu độ càng lớn thì càng đắt.
Đơn vị đo khẩu độ là f-stop. Đó là đại lượng tính bằng tỷ lệ giữa tiêu cự của ống kính và đường kính tối đa lỗ hổng lọt sáng (khẩu) tương ứng tiêu cự đó. Thường thì người ta lấy giá trị lớn nhất của khẩu độ để đặt cho ống kính và gọi đó là khẩu độ của ống kính. Ví dụ: 1 ống kính có tiêu cự = 50mm, đường kính lỗ mở (khẩu) tối đa = 17,9mm > Khẩu độ sẽ là 50/17,9 = 2,8 và được gọi là F/2.8.
Ảnh: Andthenitclicked
Như vậy, giá trị khẩu độ càng nhỏ thì độ mở của ống kính càng lớn (khẩu độ F/1.8 sẽ lớn hơn F/3.5). Lượng ánh sáng vào càng nhiều thì ống kính hoạt động càng nhanh - giảm thời gian phơi sáng sẽ hạn chế các yếu tố nhiễu, rung... và có thể chụp được các đối tượng chuyển động với tốc độ nhanh như thể thao, động vật hoang dã... Ngoài ra, trong điều kiện thiếu sáng, ống kính có độ mở lớn sẽ là một lợi thế rất hiệu quả.
4. Độ nhạy sáng ISO và tốc độ màn trập
ISO, tốc độ màn trập và cả Aperture được xem là bộ ba quyết định đến chất lượng hình ảnh của bạn. Độ nhạy sáng ISO giúp kiểm soát mức nhạy của cảm biến máy ảnh đối với ánh sáng đi vào cảm biến. Một thiết lập ISO càng cao sẽ làm cho cảm biến máy ảnh càng nhạy sáng, cho phép bạn chụp ảnh ở một nơi tối. ISO cũng có thể ảnh hưởng đến ảnh của bạn theo các cách khác nhau.
Số ISO càng cao thì độ nhiễu hạt (noise) càng nhiều (Ảnh: Picsart)
Tốc độ màn trập là thời gian màn trập ở phía trước cảm biến hình ảnh mở ra. Trong khi màn trập mở, cảm biến hình ảnh được phơi sáng để từ đó hình ảnh được tạo ra. Màn trập mở càng lâu thì ánh sáng lọt vào cảm biến hình ảnh càng nhiều. Ví dụ: Nếu tốc độ màn trập thay đổi từ 1/60 giây đến 1/30 giây, lượng ánh sáng đi vào sẽ tăng gấp đôi. Cùng với khẩu độ - yếu tố góp phần điều chỉnh lượng ánh sáng từ ống kính đi vào, tốc độ màn trập cũng là một trong những yếu tố quyết định mức độ phơi sáng.
Đây là kết quả chụp thác nước với ba tốc độ màn trập thay đổi khác nhau (Ảnh: Sony)
- Ảnh [1] được chụp với tốc độ 1/1250 giây, tốc độ nhanh nhất trong số 3 tốc độ màn trập. Vì thời gian màn trập mở ngắn nên màn trập bắt dính khoảnh khắc mà ở đó chuyển động của nước trông như dừng lại.
- Ảnh [2] được chụp ở tốc độ 1/20 giây. Vì nước đang chảy trong lúc màn trập mở nên ảnh trông sôi nổi, sống động hơn.
- Ảnh [3] được chụp ở tốc độ 1/4 giây, tốc độ màn trập chậm nhất. Việc mở màn trập trong một khoảng thời gian dài đã cho ra kết quả hình ảnh nước chảy mềm mại như lụa.
5. Ổn định hình ảnh (hoặc chống rung)
Có hai loại ổn định hình ảnh: Kỹ thuật số và quang học. Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu, ổn định kỹ thuật số sử dụng phần mềm để xử lý, còn ổn định quang học thì dùng phần cứng. Thường thì ảnh chụp ở máy có ổn định hình ảnh quang học cho chất lượng tốt hơn trong điều kiện môi trường thiếu sáng, hoặc rung tay.
6. HD và 4K
HD và 4K là phép đo độ phân giải, giống như Megapixel, nhưng chúng được sử dụng để mô tả video. HD có nghĩa là độ nét cao (1.280 × 720 pixel, hay Full HD 1.920 x 1.080 pixel), còn 4K hoặc Ultra HD tương ứng 3.860 x 2.160 pixel. Cuối cùng, bạn sẽ nhận được 8K, gấp đôi độ phân giải 4K.
Ưu điểm chính của 4K là bạn có thể phóng to hình ảnh lên trên màn hình lớn hơn, nhưng chất lượng hiển thị vẫn tốt như thường, trong khi đó nếu áp dụng cách tương tự cho HD thì hình ảnh sẽ bị rỗ (xem ở khoảng cách càng gần thì độ rỗ càng thấy rõ). Nhược điểm của 4K là "ngốn" rất nhiều dung lượng bộ nhớ (thường thì 1 phút tốn gần 400MB), vì thế ít ai dùng smartphone để quay video 4K khi đi du lịch, đám tiệc,... đa số chọn chuẩn HD hoặc Full HD đã đủ nét rồi.
Hiện có rất nhiều smartphone quay được video 4K
7. Định dạng RAW
RAW là một định dạng ảnh kỹ thuật số, nó lưu tất cả thông tin mà cảm biến của máy ảnh nhận được. RAW trong tiếng Anh có nghĩa là thô, chưa xử lý, không phải ký tự viết tắt. Ưu điểm của ảnh RAW là cho chất lượng cao hơn, tất cả các chi tiết được lưu trữ và xử lý từng bước một. Tuy nhiên, ảnh RAW lưu lâu và tốn bộ nhớ hơn. Một số smartphone 2015 có thể chụp được ảnh RAW như:
Samsung Galaxy Note 5,
Galaxy S6 Edge Plus,
LG G4 và
LG V10,...
So sánh ảnh JPEG và RAW (Ảnh: Eugadget)
8. Phần mềm và ứng dụng
Các ống kính rất tốt, tính năng ổn định hình ảnh quang học tuyệt vời và cảm biến ảnh lớn,... nhưng nếu phần mềm camera mặc định trên máy bất ổn (tối ưu JPEG kém,
thuật toán xử lý hình ảnh không đủ sức...) thì tất cả các công nghệ đỉnh cao vừa nêu cứ như đem đi đổ sông đổ biển. Tuy nhiên, "Trời sinh voi sinh cỏ", cái này tệ quá thì mình xài cái khác. Lấy ví dụ như bên smartphone Android, bạn sẽ có tùy chọn cài đặt rất nhiều ứng dụng camera của bên thứ 3 trên CH Play - điển hình như
Google camera,...
Giao diện ứng dụng Google Camera
No comments: