Thuật sử dụng ánh sáng đèn flash

Trong môn nhiếp ảnh, nguồn sáng để chụp ảnh đóng vai trò quan trọng để tạo ra bức hình. Một bức ảnh được chụp đúng chế độ ánh sáng thì màu sắc và độ bão hòa màu cao. Đối với máy ảnh kỹ thuật số, độ nhạy sáng phụ thuộc bộ cảm biến ánh sáng CCD/CMOS.
Ảnh chụp xả đèn flash nhẹ mức 1/64, mặt sáng đều hơn trong điều kiện trời loang lổ. Với mức này do rất nhẹ nên góc khuất ở cổ vẫn hơi tối nhưng tạo được khối, có chiều sâu.
Khi màn trập camera được mở ra, ống kính sẽ tập trung ánh sáng lên bộ cảm nhận. Một số tế bào quang điện sẽ ghi nhận những vùng sáng, một số ghi nhận những vùng tối, một số thì ghi lại những vùng ở mức trung gian. Mỗi tế bào sẽ chuyển đổi tín hiệu ánh sáng sang điện tích. Khi màn trập đóng lại, quá trình phơi sáng đã hoàn thành, thông tin về điện tích trên mỗi tế bào sẽ được số hoá, lưu trữ tạo ra hình ảnh.

Để xử lý được ánh sáng theo ý muốn bạn cần phải có chiếc máy ảnh có chức năng M (Manual) trên Menu, thân máy có chân gài đèn flash rời. Đèn flash điện tử rời có các chế độ phát theo ý muốn; 1/1, 1/2, 1/4...1/32 thậm chí cho đến 1/128 tuỳ theo từng loại.Tuy nhiên, làm sao cho tấm hình ta chụp được đều màu, có chiều sâu, các góc cạnh đối tượng không bị loang lổ, tăng thêm vẻ đẹp, cái hồn của bức ảnh thì đó chính là kỹ thuật xử lý ánh sáng khi chụp hình. Nếu bạn đã sành sỏi trong chụp hình thì cũng thừa hiểu đèn flash chỉ là phụ trong nhiều trường hợp. Ngay cả khi ta bật flash thì nguồn sáng chính vẫn là ánh sáng trời hoặc ánh sáng từ các nguồn khác xung quanh đối tượng.
Dùng flash ngoài trời
Ánh sáng trời tự nhiên luôn luôn mang lại cho bức ảnh màu sắc trung thực và có chiều sâu hơn cả dù là buổi tối hay ban ngày. Ảnh chụp thuận sáng sẽ cho khuôn mặt người được chụp tươi tắn, hài hòa cùng cảnh vật. Trường hợp khi có nắng gây loang lổ khuôn mặt, bạn nên chọn chế độ xả thích hợp. Theo nhiều nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm thì họ dùng chế độ xả đèn từ 1/8 đến 1/32. Ở các địa điểm như dưới mái hiên hay trời hơi sầm, khuôn mặt đối tượng thường bị tối các góc cạnh như khóe mắt, hốc mũi ta cũng nên dùng flash nhưng chỉ xả ở mức khoảng 1/16 đến 1/32. Nếu bạn xả mạnh hơn, mặt người sáng nhưng hậu cảnh lại bị đen dẫn đến hình chụp ban ngày mà khi xem lại thành buổi tối.
Dùng flash buổi đêm
Nhiều người ra bờ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) buổi đêm chụp hình lưu niệm muốn lấy cảnh Tháp Rùa (cách rất xa) rồi thắc mắc là vì sao chẳng nhìn thấy đâu dù ở đó có trang trí đèn sáng. Không cần hỏi cũng hiểu rằng đó là do khi chụp họ để tốc độ (Speed) hơi cao, thậm chí quá cao hoặc đèn flash thì xả quá mạnh gây nên mặt người thì sáng trắng, phía sau đen xì. Đối với giới chuyên nghiệp thì điều này hết sức đơn giản: Tốc độ giảm xuống từ 1/8 đến 1''. Nếu có chân ba càng để đặt máy lên thì càng tốt, đảm bảo được độ nét của cả người và cảnh. Flash lúc ấy bạn có thể để auto hoặc xả nhẹ chừng 1/4 đến 1/8 tùy theo chủng loại đèn. Nếu là máy ảnh số bạn có thể tăng ISO cao lên càng tuyệt tác.
Dùng flash trong nhà
Ảnh chụp tại sân bay Nội Bài. Đèn chỉ lên trần làm cho bức hình sáng hậu cảnh.
 Đèn chỉ thẳng mặt người, hậu cảnh tối om.
Để cảnh trong nhà được sáng và thật màu ta không nên "bắn" thẳng đèn flash vào mặt đối tượng mà nên hướng đèn lên phía trần nhà (để dùng được thủ thuật này trần nhà phải phẳng, không có độ vát hay cong). Chế độ này giúp ta có được bức hình thật màu như chụp không dùng đèn. Ánh sáng phụ trong nhà góp phần quan trọng tạo nên bức hình đủ sáng. Lúc này ánh sáng của đèn neon hay halogen rất quan trọng. Flash nên được xả mạnh hết cỡ hoặc 1/2, 1/4 tùy theo lưu lượng ánh sáng phụ và độ cao của trần nhà. Trần thấp thì xả nhẹ, cao thì mạnh. Tuy nhiên, cao quá (trên 10 m) thì "siêu sao" cũng phải "bó tay", bạn chỉ nên "đánh" thẳng vào mặt.
Bài và ảnh: Trường Giang
Thuật sử dụng ánh sáng đèn flash Thuật sử dụng ánh sáng đèn flash Reviewed by mp3aid on 5:01 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.